15:28 16/10/2024 Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, đến giữa tháng 9/2024 toàn tỉnh mới giải ngân được gần 2.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 27,3% tổng vốn thanh toán và 33,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. So với trung bình chung cả nước, giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương đến thời điểm này vẫn rất thấp.
Mới đạt 33,2% kế hoạch vốn giao
Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Hải Dương là 8.389,6 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước 8.034,7 tỷ đồng, vốn nước ngoài 354,9 tỷ đồng. Trong đó kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh 6.331,7 tỷ đồng, còn lại là vốn giao bổ sung.
Tổng vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã gần 3.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu hơn 1.600 tỷ đồng, đã giải ngân 1.126 tỷ đồng, đạt 33,2%. Vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý gần 4.900 tỷ đồng, đã giải ngân 1.132 tỷ đồng, đạt 24%.
Đối với ngân sách cấp tỉnh quản lý, vốn ngân sách Trung phân bổ 1.131,7 tỷ đồng cho 11 dự án, đã giải ngân 353,1 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương phân bổ cho 59 dự án hơn 3.290 tỷ đồng, trong đó có 44 dự án đã giải ngân 625,1 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch vốn thanh toán, còn 15 dự án chưa giải ngân. Vốn nước ngoài phân bổ cho 1 dự án 354,9 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 22,1%. Có 37,3 tỷ đồng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phân bổ cho 3 dự án chưa giải ngân.
Được biết năm 2024, tỉnh dự kiến sẽ giải ngân cả năm 2024 được 8.361,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,7%. Đến ngày 30/6/2024, tỉnh mới giải ngân 1.087 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán và bằng 17,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến giữa tháng 9/2024 toàn tỉnh mới giải ngân được gần 2.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 27,3% tổng vốn thanh toán và 33,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Đáng chú ý, khối lượng giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư công do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư rất lớn với kinh phí bố trí khoảng 1.250 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10 mới giải ngân được khoảng 15% kế hoạch vốn.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hải Dương, tình hình triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt một số kết quả tích cực. Đó là công tác lập, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công triển khai thực hiện đúng luật, bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác phân bổ vốn đầu tư; tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, kém hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc ngay từ đầu năm, tập trung xử lý, kiến nghị xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án.
Tuy nhiên việc giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương vẫn thấp do nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ quan và khách quan, trong đó có sự thiếu chủ động phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án và năng lực của một số nhà thầu thi công còn thấp… Đặc biệt, nổi cộm là những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB.
Trong đó theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có 25 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Trong đó, TP. Chí Linh và huyện Thanh Hà mỗi nơi liên quan đến 5 dự án; thị xã Kinh Môn liên quan 4 dự án; các huyện Thanh Miện và Nam Sách mỗi địa phương liên quan 3 dự án; các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Kim Thành, Tứ Kỳ mỗi nơi liên quan 2 dự án và huyện Gia Lộc liên quan 1 dự án. Những khó khăn về giải phóng mặt bằng chủ yếu do công tác di dời, hoàn trả công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đo đạc, lập bản đồ địa chính; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nhiều thay đổi…
Quyết liệt tháo gỡ
6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương ước đạt 10%, đứng thứ 7 cả nước và thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng chỉ sau TP Hải Phòng và tỉnh Hà Nam. Còn nhớ năm 2023, khi bối cảnh chung diễn biến không thuận lợi, tạo áp lực lớn cho nền kinh tế thì Hải Dương vẫn quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Dù tăng trưởng năm 2023 của tỉnh là 8,16% (không đạt mục tiêu đề ra trên 9%) song những nỗ lực thời điểm đó đã tạo ra động lực để 6 tháng đầu năm 2024, Hải Dương đạt được kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những nỗ lực của tỉnh là quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công để làm đòn bẩy thu hút đầu tư, kích hoạt các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng trở lại. Kết quả, kết thúc năm 2023, tỉnh Hải Dương bứt phá mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công dù những tháng đầu năm tương đối trì trệ, khó khăn do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã giải ngân được gần 7.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch vốn đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao đồng nghĩa với việc nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội gấp rút được hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng. Đây chính là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Được biết hiện các cấp, các ngành của Hải Dương đang tích cực tháo gỡ khó khăn, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, quyết tâm đạt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn. Bên cạnh chạy nước rút để về đích giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 thì các cơ quan, đơn vị cũng tích cực rà soát, đánh giá dự án, công trình ưu tiên đầu tư nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Thời gian còn lại của năm không nhiều, mới đây đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp kiểm tra tình hình triển khai một số dự án đầu tư công trên địa bàn các huyện Thanh Hà, Kim Thành và TP Chí Linh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các cấp, ngành phải quyết liệt, khẩn trương tìm giải pháp để rút ngắn thời gian triển khai. Căn cứ vào tình hình thực tế, đơn vị thi công cân nhắc việc triển khai đồng thời nhiều hạng mục nhằm đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh việc bảo đảm khối lượng công việc, các cơ quan, đơn vị phải chủ động trong hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ phục vụ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán. Những dự án chậm tiến độ phải xây dựng kế hoạch triển khai, tính toán cụ thể phương án về nhân công, nguồn lực, nguồn vật liệu, phấn đấu hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất có thể.
Đối với những dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, các địa phương phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành liên quan thống nhất phương án giải quyết dứt điểm. Trong đó phải quy trách nhiệm cụ thể, tránh đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý trong giải phóng mặt bằng phải vận dụng các chế độ, chính sách có lợi nhất cho người dân. Các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Khi đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định nhưng người dân không chấp hành thì xem xét phương án cưỡng chế để đảm bảo tiến độ.
Đối với những dự án chuẩn bị khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu khi được bàn giao mặt bằng cần huy động tối đa nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm có khối lượng công trình đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công. Chủ đầu tư dự án tăng cường, bố trí thêm chuyên viên có năng lực, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai dự án, kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh, đề xuất phương án xử lý nhằm bảo đảm dự án triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch.
THỦY NGUYÊN