23:07 01/12/2024 Sáng 1-12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lương Cường, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương…
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy; lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền các cấp…
Hội nghị được kết nối tới hơn 14.500 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 1,3 triệu cán bộ, đảng viên tham gia.
Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Văn Lập, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch HĐND thành phố; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ; Ủy viên Thành ủy; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Phó chủ tịch HĐND, UBND thành phố; cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, quận, huyện…Hội nghị kết nối tới hơn 250 điểm cầu quận, huyện, sở, ngành, Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, các xã trên địa bàn thành phố với hơn 3.000 cán bộ, đảng viên tham dự.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.
Đề cập đến một số nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu nội dung phương án cụ thể là:
Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.
Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương: chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.
Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện Trung ương.
Nghiên cứu, đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động các tạp chí của các ban Đảng Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản. Giao các ban Đảng Trung ương, Tạp chí Cộng sản chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Tạp chí Cộng sản là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân Dân; giao Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài truyền hình Việt Nam; giao Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung vào báo in, báo điện tử để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chỉ cho các hoạt động.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng trong các ban Đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương: chuyển các tổ chức Đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng uỷ Chính phủ và Đảng uỷ một số bộ chuyên ngành (tuỳ theo quy mô, tính chất quan trọng của Đảng bộ doanh nghiệp).
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Ban cán sự Đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số Đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ.
Kết thúc hoạt động của các ban cán sự Đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng uỷ Chính phủ gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; ban thường vụ đảng uỷ gồm đồng chí Bộ trưởng làm Bí thư, các đồng chí Thứ trưởng, đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ và 1 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ, quy định ban thường vụ đảng uỷ thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phù hiện nay.
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng trong các cơ quan thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan Quốc hội. Đảng uỷ Quốc hội ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Quốc hội và các cấp uỷ trực thuộc.
Kết thúc hoạt động của ban cán sự Đảng, lập Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Đảng uỷ Quốc hội (tương tự Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ).
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng ở các cơ quan thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp uỷ trực thuộc.
Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập Đảng uỷ ở các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập đảng bộ, chi bộ ở các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung tương; tăng 2 đăng uỷ trực thuộc Trung ương.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cũng nêu phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng:
Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số...; chuyển một số nhiệm vụ khác về: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.
Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.
Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Uỷ ban Dân tộc, thành lập Uỷ ban Dân tộc - Tôn giáo.
Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 viện hàn lâm khoa học và 2 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.
Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố....; tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho các hoạt động. Nghiên cứu, xây dựng, cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành.
Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, thực hiện phương án này, tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Đối với một số cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động theo hướng:
Sáp nhập Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách. Sáp nhập Uỷ ban Xã hội và Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục. Sáp nhập Uỷ ban Tư pháp và Uỷ ban Pháp luật. Đồng thời, kết thúc hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại: chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các uỷ ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
Nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Uỷ ban của Quốc hội, các ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
Không bố trí chức danh uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; các uỷ ban của Quốc hội có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện phương án này, giảm được 4 uỷ ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, phương án nghiên cứu, đề xuất là: Rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.
Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội truyền đạt chuyên đề “Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm, hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn thời điểm này, đất nước đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Đây cũng là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 vấn đề cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ quyết liệt. Tổng Bí thư cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội 13 đã đề ra, phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.
Tổng Bí thư đề nghị, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Cần nhận thức rõ, đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…
Theo Tổng Bí thư, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã khá đầy đủ và đến lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ "trên chính mảnh đất của mình", phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
Về công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhiệm vụ của cấp uỷ các cấp là cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước đại hội như: người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp uỷ khoá mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích...
Tổng bí thư nêu rõ, vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Tinh thần là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng". Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1/2025./.
Hồng Thanh
19:54 03/12/2024
14:56 03/12/2024
14:55 03/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão